Skip to content

Hotline 24/7         

0828 607 801     

Pont du Gard – Kiệt tác cổ đại thời La Mã

Cây cầu Pont du Gard bắc qua sông Gard là một trong những công trình cổ đại nhất do người La Mã xây dựng, nằm ở phía Nam nước Pháp. Với vẻ đẹp hùng vĩ và được bảo tồn gần như nguyên trạng từ thế kỷ I đến nay, cây cầu trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch nhất nước Pháp.
 
Thành tựu của nhân loại

Pont du Gard có vai trò dẫn nước từ Vzes ở phía Bắc đến thành phố Nimes ở phía Nam nước Pháp. Tại Vzes có một dòng suối bắt nguồn từ vùng núi cao, đây chính là nguồn cung cấp nước dồi dào cho thành phố Nimes lúc bấy giờ. Vào thời đó, thành phố Nemausus, tên gọi khác của Nimes là thành phố đặt dưới sự cai quản của người La Mã. Sự gia tăng dân số của thành phố khiến nguồn nước phục vụ cho các công trình dân sự và công cộng như vòi phun nước bị thiếu hụt trầm trọng, do đó việc dẫn nước từ Vzes đến Nimes là rất cần thiết. Tuy nhiên, người ta đã không thể xây dựng hệ thống dẫn nước theo đường thẳng từ Vzes đến Nimes vì gặp trở ngại bởi địa lý. Do đó, một đường vòng dài 50 km dùng để dẫn nước đã được xây dựng.


Pont du Gard là cầu dẫn nước cổ đại gồm 3 tầng khung vòng cung hoàn toàn bằng đá, được xây dựng mang kiểu dáng hình học rất đẹp. Cầu có chiều dài 275 m và cao 49 m. Cầu dẫn nước được tu sửa rất nhiều lần trong suốt thời gian 2.000 năm qua nhằm bảo vệ an toàn cho nó. Vào thế kỷ XIX, cầu được trùng tu với quy mô lớn. Trên tầng thứ nhất của khung vòng cung được sử dụng làm đường lưu thông thuận tiện bắc qua sông Gard. Tầng trên cùng được sử dụng giống như rãnh dẫn nước hiệu quả của thời La Mã. Cầu có thể cung cấp một lượng nước khổng lồ với khoảng 20.000 m3/ngày. Toàn bộ máng dẫn nước của Pont du Gard được thiết kế theo một độ dốc thoai thoải giữa 2 vách tường thấp giúp việc vận chuyển nước một cách dễ dàng…

Kiến trúc phần vòng cung của cầu được chống đỡ bằng khung sườn hình bán nguyệt. Thêm vào đó, mỗi vòng cung trên từng tầng được thiết kế cùng kích cỡ, các tảng đá cũng được gọt giũa theo một khối thống nhất có cùng trọng lượng. Toàn bộ công trình kiến trúc này được xây dựng từ một nguyên liệu duy nhất là đá. Để hoàn thành cây cầu này, người La Mã đã phải huy động tới 1.000 nhân công, lao động trong 3 năm ròng. Điều đặc biệt là cây cầu được xây từ những tảng đá lớn có trọng lượng tới 6 tấn mỗi tảng, được cắt xẻ rất khéo. Giữa những lớp đá này, hoàn toàn không có chất kết dính nào.
Tiến sĩ Pierr là người đã bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu cầu dẫn nước vĩ đại Pont du Gard của người La Mã. Ông cho biết: “Kết cấu 3 tầng của cầu Pont du Gard không chỉ đảm bảo được độ chắc chắn mà nó còn thể hiện qua các thiết kế rất hợp lý với rất ít nguyên liệu được sử dụng”.
 
Kiến trúc “bậc thầy”
Xây dựng nên chiếc cầu này đòi hỏi trình độ nghệ thuật rất cao. Mỗi đỉnh vòm của 6 vòm ở dưới cùng đều có 4 vòng cung nhỏ giống nhau. Kiểu kết cấu này khiến cho cầu luôn bền vững, có thể chịu được áp lực nước của sông. Đỉnh vòng cung của 11 vòm ở tầng giữa lần lượt do 3 vòng cung có kết cấu tương đương nhau tạo thành, vòng cung của tầng này rộng hơn vòng cung của tầng khác, có thể chịu được lưu lượng lớn nước chảy qua, giảm áp lực. Phần đỉnh của mỗi vòm ở tầng trên cùng đều chỉ có một vòng cung, vòng cung của tầng này rất nhiều, các vòng cung liên tiếp đan xen với nhau, như thế có thể giảm được áp lực của gió tác động lên thân cầu.

Vẻ đẹp hùng vĩ của cây cầu Pont du Gard.

Kiểu kết cấu của cầu Pont du Gard đã được các chuyên gia tính toán rất kỹ. Đỉnh vòng cung của mỗi vòm đều có kết cấu vòng cong song song, cây cầu được xây dựng vừa kinh tế, vừa nhanh gọn cả về đo lường, thi công và tu sửa, vì duy trì đỉnh vòng cung của một vòm chỉ bằng một khung bằng gỗ. Độ rộng của vòm cầu ở giữa lớn hơn hai bên, đây là thiết kế đặc biệt khiến cho cầu trở nên kiên cố. Ngoài ra, kiểu cấu trúc này đã tính toán cả sự thay đổi của vòm cầu, mùa xuân là mùa nước dâng cao, cầu có thể tháo nước.

Pont du Gard gắn liền với những câu chuyện tình lãng mạn của quý tộc và các thi sĩ xưa kia. Nơi đây cũng là nơi được các vương triều Pháp ưa thích và coi là biểu tượng quyền lực của đế chế. Vua Charles 9 của Pháp đã ra mắt thần dân trên cây cầu này, trong màn biểu diễn của 12 cô gái trẻ trong trang phục thần tiên. Nhiều vị vua khác của nước Pháp cũng từng đến đây thưởng ngoạn sau những ngày thiết triều mệt mỏi. Đến năm 1787, vua Louise của nước Pháp cũng đã mời tới đây danh họa Hubert Robert để ghi lại vẻ đẹp hoành tráng của cây cầu qua nét cọ và sắc màu, để lại một kiệt tác hội họa cho muôn đời sau.


Cầu Pont du Gard giống như cổng chạm lộng tô điểm cho phong cảnh vốn lộng lẫy của sông Gard. Dưới ánh nắng mặt trời vào buổi trưa, cầu soi bóng xuống mặt hồ trông càng rực rỡ, làm say đắm lòng người. Vào năm 1985 Pont du Gard được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và mỗi năm cây cầu lại đón tới 1,4 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, chiêm ngưỡng.

VTT
(nguồn: Nguyễn Linh Thuỳ -Langvietonline)

Tin liên quan...

Leave a Reply

Your email address will not be published.